Bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
*Đề bài: Sau khi đọc xong bài thơ Chân quê, em có ý kiến gì về việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc?
Chân quê - Nguyễn Bính
Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Dàn ý
a/ Mở bài
-Giới thiệu vấn đề nghị luận: việc giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc.
-Khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.
b/ Thân bài
-Giải thích truyền thống văn hóa dân tộc là gì?
-Phân tích ý nghĩa của việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc?
-Chứng minh những việc làm gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc?
-Phản biện những việc làm làm mất truyền thống văn hóa dân tộc?
c/ Kết bài
-Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
-Bài học bản thân trong việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc.
Bài làm
Ông bà ta thường nói "chim có tổ, người có tông". Thật vậy, con người có tổ tiên, sống trong một nước thì có Tổ quốc. Tổ quốc Việt Nam chúng ta, tuy là một nước nhỏ bé nhưng sự thật lại là một nước có truyền thống văn hóa nghìn đời. Truyền thống văn hóa của người Việt cần được quan tâm và gìn giữ. Vấn đề gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc là một vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ văn hóa nghĩa là gì? Theo tôi, văn hóa chính là những giá trị có tính chân - thiện - mĩ được nhiều đúc kết qua khoảng thời gian dài. Văn hóa bao gồm văn hóa vật chất và tinh thần. Văn hóa có thể là một bài ca dao, một làn điệu dân ca, một câu hò, một vở chèo, tuồng. Văn hóa đôi khi là món ăn như phở, chả, nem, cơm tấm, bún, mắm. Văn hóa cũng có thể là vẻ đẹp của áo dài người phụ nữ Việt, áo bà ba, áo tứ thân. Không dừng lại ở đó, văn hóa còn có thể là những công trình kiến trúc như chùa một cột, cung đình Huế, chợ Bến Thành,... Điểm sơ qua, ta thấy văn hóa của người Việt Nam thật phong phú. Từ nhiều điều to tát như các công trình kiến trúc đến những điều nhỏ bé, dung dị như bài ca dao, dân ca. Mỗi vùng miền trên đất nước Việt Nam lại có những văn hóa khác nhau. Văn hóa được đúc kết từ ngàn đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo thành truyền thống văn hóa độc đáo của dân tộc. Ví như truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Khi "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Hay như lời Bác nói "dân ta có một truyền thống yêu nước nồng nàn. Mỗi khi có giặc xâm lăng thì tinh thần ấy kết thành một ngọn sóng lớn, nó nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước". Truyền thống yêu nước là một điều đáng để tự hào của người Việt Nam. Và lịch sử đã minh chứng, biết bao con người Việt Nam đã ngã xuống hy sinh cho độc lập dân tộc. Tên tuổi của họ vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay như Lê Lai (liều mình cứu chúa), Trần Bình Trọng (thà làm ma nước Nam, chứ không làm vua phương Bắc), Phan Đình Giót (lấy thân mình lấp lỗ châu mai),... Truyền thống văn học dân tộc Việt Nam còn là truyền thống nhân đạo, lòng thương người. Tục ngữ, ca dao Việt Nam còn lưu truyền nhiều bài học giáo dục lòng thương người như "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Hoặc như câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách", "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Truyền thống nhân đạo của người Việt thường được thể hiện trong những lúc con người gặp hoàn cảnh khó khăn. Họ thường đùm bọc, cưu mang nhau, gọi nhau là "đồng bào", thương yêu nhau như anh - em một nhà, giúp đỡ nhau như người thân, họ hàng, láng giềng. Còn nhớ, khi đại dịch cô-vid ập đến. Rất nhiều người Việt đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sâu nặng nghĩa tình như cấp phát thức ăn miễn phí, cấp phát tiền cho người lao động nghèo, cấp thuốc, máy dưỡng khí miễn phí,... Những việc làm ấy đã khiến những người gặp hoàn cảnh khó khăn cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Truyền thống văn hóa của người Việt còn được thể hiện mến khách. Ngày tết, người ta thường hân hoan, chào đón những vị khách đến nhà mình bằng bánh mứt và trà thơm. Người Thái có lòng mến khách bằng việc chuẩn bị chu đáo gian phòng ấm cho khách ngủ. Khi những người khách du lịch đến Việt Nam, họ thường khen ngợi người Việt Nam thân thiện và mến khách, thường trao cho du khách những nụ cười bình dị, hồn nhiên và lời chào thân ái "hello"! Vậy đấy, không thể kể hết những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Những truyền thống ấy sẽ giúp Việt Nam khẳng định được nền văn hiến của mình trước bè bạn năm châu như Nguyễn Trãi từng nói "Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Trong nhịp sống ngày nay, những truyền thống văn hóa ấy sẽ giúp Việt Nam tạo một bản sắc riêng, có thể khai thác, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện, giàu văn hóa. Từ đó, chúng ta có thể làm du lịch, ngoại giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những con người Việt Nam có ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc thì còn nhiều người chưa quan tâm gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc như ăn mặc phản cảm, hớ hênh; gây gổ, đánh nhau tạo sự thù hằn, hoặc một số người Việt sống ở nước ngoài rêu bán, bêu xấu dân tộc,... Đó là những việc làm chưa nhận thức được giá trị văn hóa của dân tộc, chưa tâm huyết đối với truyền thống văn hóa của cha ông. Những việc làm đó cần được lên án, chê trách.
Truyền thống văn hóa dân tộc không tự dưng mà có, mà nó được xây dựng và lưu giữ bởi nhiều người. Đến lượt chúng ta, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bản thân em là học sinh em sẽ cố gắng gìn giữ văn hóa dân tộc như mặc áo dài đi học theo quy định, không chọn lối sống xa hoa, cầu kì; có tình yêu thương bạn bè, thầy cô, người lớn tuổi, người già neo đơn, trẻ mồ côi; luôn cố gắng học tập tốt để mai sau cống hiến công sức cho việc xây dựng nước nhà. Tất cả những việc làm của em sẽ góp phần gìn giữ văn hóa yêu nước, lòng nhân đạo và những giá trị văn hóa khác của dân tộc.
Nhận xét
Đăng nhận xét