Bài văn tham khảo

 PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ BÀI THƠ CẢNH KHUYA - HỒ CHÍ MINH

*Đề bài: Em viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Cảnh khuya - Hồ Chí Minh:

            Tiếng suối trong như tiếng hát xa, 

            Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

            Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

            Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Dàn ý

a/ Mở bài
-Giới thiệu tác giả Hồ Chí Minh.

-Bài thơ Cảnh khuya là bài thơ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

b/ Thân bài

-Hoàn cảnh sáng tác, thể loại và bố cục bài thơ Cảnh khuya.

-Phân tích bài thơ:

+Hai câu đầu: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng

>Hai câu đầu không xuất hiện chủ thể trữ tình mà nổi bật là cảnh thiên núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng.

>Vẻ đẹp thiên nhiên núi rừng Việt Bắc có âm thanh của tiếng suối, ánh trăng soi rọi cây cổ thụ và những bông hoa rừng.

>Vẻ đẹp đầy lãng mạn, hư ảo đậm chất Đường thi cổ điển nhưng cũng hiện đại (với sự xuất hiện của hoa).

>Nghệ thuật khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên: so sánh (như tiếng hát xa); điệp ngữ (lồng); thủ pháp lấy động tả tĩnh (lấy âm thanh của tiếng suối để khắc họa sự khuya vắng của cảnh vật; thủ pháp chấm phá điểm nhãn (sử dụng hình ảnh cây cổ thụ, tiếng suối, hoa nhưng đã khắc họa được đêm trăng ở chốn núi rừng rộng lớn); hiệp vần "xa - hoa" gợi ra được vang xa của âm thanh tiếng suối và vẻ đẹp của hoa rừng.

+Hai câu cuối: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

>Chủ thể trữ tình xuất hiện với sự hiện diện của "người".

>Con người trở thành trung tâm của cảnh vật. Người đang ở trạng thái "chưa ngủ". "Chưa ngủ" không vì mãi ngắm vẻ đẹp của trăng, lắng nghe âm thanh của tiếng suối, mà "chưa ngủ" "vì lo nỗi nước nhà".

>Nghê thuật: biện pháp tu từ so sánh (cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ); biện pháp điệp vòng (người chưa ngủ - chưa ngủ vì)- nhấn mạnh trạng thái con người thao thức dù đêm đã khuya; nhịp thơ thay đổi (câu 3 - nhịp 3/4; câu 4- nhịp 2/5) diễn tả nỗi trằn trọc, băn khoăn của chủ thể trữ tình.

-Thông điệp bài thơ: thông điệp về tình yêu thiên nhiên, quê hương và lòng yêu nước.

c/ Kết bài

-Bài thơ cho thấy vẻ đẹp đêm trăng ở núi rừng Việt Bắc. Qua đó, cho thấy lòng yêu thiên, quê hương và tấm lòng vì nước của Bác.

-Bài thơ thành công nghệ thuật: sử dụng phép so sánh, nghệ thuật điệp từ, điệp vòng, bút pháp tả cảnh ngụ tình,..

-Bài thơ khiến ta thêm yêu mến, trân trọng tấm lòng yêu nước của Bác.


Bài làm

        Hồ Chí Minh, cái tên trìu mến được nhiều người Việt Nam gọi một cách thân thương. Người sinh năm 1890 và mất năm 1969. Thuở nhỏ, Người có tên gọi là Nguyễn Sinh Cung. Người sinh ra tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha của Người là cụ ông Nguyễn Sinh Sắc và mẹ là cụ bà Hoàng Thị Loan. Dù sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo nhưng Bác lại là một người thông minh, ham học hỏi có lòng yêu nước thương dân sâu sắc, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống pháp giành thắng lợi vẻ vang. Không chỉ là một lãnh tụ tài ba, Bác Hồ còn là một nhà văn, nhà thơ, danh nhân văn hóa thế giới. Người để lại tác phẩm tiêu biểu như Bán án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Nhật kí trong tù (1943). Trong đó bài thơ Cảnh khuya được xem là một trong những bài thơ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của Bác:

            Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

            Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

            Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

            Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

        Trong những năm tháng đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), nhiều lần quân Pháp ồ ạt tấn công lên chiến khu Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng và cơ quan đầu não của ta. Chiến dịch Việt Bắc của quân và nhân dân ta đã làm thất bại ý đồ của địch và tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng. Bài thơ Cảnh khuya được Bác viết trong những đêm sống tại núi rừng Việt Bắc để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt nhưng sử dụng nhiều yếu tố hiện đại. Bài thơ được phân thành hai phần. Hai câu đầu miêu tả khung cảnh thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng. Hai câu thơ cuối là hình ảnh người thi nhân trong đêm trăng vơi những suy tư, trăn trở về vận mệnh dân tộc. Đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu vẻ đẹp của hai câu thơ đầu:

                                    Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

                                    Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Ta nhận thấy, hai câu thơ đầu không thấy xuất hiện hình ảnh của chủ thể trữ tình. Mà đó chỉ thấy hình ảnh, vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc. Đó là một vẻ đẹp nên thơ, đậm chất Đường thi. Trăng thì rất sáng, nhưng cái sáng mang vẻ đẹp hư ảo, lãng đãng. Vẻ đẹp của trăng hòa quyện vẻ đẹp của cây cổ thụ, âm thanh của tiếng suối như tiếng hát. Đọc hai câu thơ, người đọc dễ dàng mường tượng được vẻ đẹp núi rừng, thiên nhiên Việt Bắc. Sỡ dĩ làm được như vậy, vì Bác đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như thủ pháp so sánh (như tiếng hát xa). Âm thanh của tiếng suối được ví như âm thanh của tiếng hát xa vọng lại. Việc so sánh như vậy thật cụ thể, làm cho không gian của thiên nhiên, núi rừng Việt Bắc như sinh động và có sức sống hơn. Vốn dĩ, vẽ tranh bằng thơ thì việc làm cho người đọc cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên là không hề dễ nhưng ở đây, thi nhân đã chuyển được âm thanh của tiếng suối vọng lại gần hơn trong tâm tưởng người đọc. Đó chính là thủ pháp ẩn dụ cảm giác. Ta dường như nhận thấy tâm hồn mình cùng hòa điệu với thi nhân lắng nghe âm thanh tiếng suối róc rách trong rừng khuya thanh vắng. Vẻ đẹp của ánh trăng cũng là một vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc. Trăng cao, trăng sáng, trăng lồng vào những cổ thụ làm không gian núi rừng cao rộng. Điệp từ "lồng" được nhắc lại hai lần có ý nghĩa khắc họa vẻ đẹp hòa quyện của trăng và cổ thụ. Hình ảnh của trăng xuất hiện rất nhiều trong thi ca. Ta nhớ câu ca dao "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng đổ đi?", Hàn Mặc Tử khắc khoải với khoảnh khắc lo âu cho kiếp người "Có chở trăng về kịp tối nay?". Thì ở đây, trăng "lồng" cổ thụ là nét đẹp riêng của núi rừng Việt Bắc. Ánh sáng của trăng đã xua đi bóng đêm hiu vắng, sự lạnh giá của núi rừng. Trăng dường như ấm áp đến lạ kì. Điều đặc biệt của vẻ đẹp của núi rừng Việt Bắc còn thật sự lãng mạn hơn khi xuất hiện hình ảnh của hoa. Những bông hoa núi rừng như sự điểm xuyến dịu dàng cho khung cảnh núi rừng. Có thể thấy, đúng là một thi nhân có lòng yêu mến, gắn bó với thiên nhiên thì mới có thể phát hiện, tô vẽ cho bức tranh thơ của mình dịu dàng, đằm thắm như vậy. Chỉ với 14 chữ nhưng Bác đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên đẹp hư ảo có âm thanh của tiếng suối, cổ thụ và hoa. Đó là những hình ảnh điển hình trong tác phẩm Đường thi. Cảnh khuya mang vẻ đẹp cổ điển nhưng hiện đại. Ta cũng cảm nhận được tâm hồn thi nhân như hòa quyện, lắng đọng cùng cảnh vật. Dù hiện thực của cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Bác đã có những giây phút nhìn ngắm thiên nhiên và gửi gắm những tâm sự vận nước như hai câu thơ sau diễn tả:

                                Cảnh khuya như vẻ người chưa ngủ,

                                Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Nếu hai câu thơ đầu, chủ thể trữ tình không xuất hiện trực tiếp thì sang hai câu thơ cuối, chủ thể trữ tình có thể được hiểu là "người", chính là tác giả Hồ Chí Minh. Ở đây, hình ảnh con người xuất hiện và trở thành trung tâm của bài thơ. Câu thơ "cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ", tiếp tục là biện pháp tu từ so sánh, so sánh cảnh khuya đẹp như tranh vẽ và con người trong đêm khuya vắng như đang trầm tư, nghĩ ngợi. Đọc Cảnh khuya của Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi cho ta nhớ đến cảnh khuya trong bài thơ Tự tình (bài II) của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Dường như đêm khuya vắng trở thành một nhịp cầu để các thi nhân bộc bạch nỗi niềm. Nếu với Hồ Xuân Hương, đêm khuya như trở thành người bạn để nữ sĩ bộc lộ nỗi niềm xót xa cho thân phận nữ nhi phải cảnh khiếp làm lẽ. Thì đêm khuya vắng trong núi rừng Việt Bắc là dịp để Bác nói lên nỗi trăn trở, lo lắng cho vận mệnh của đất nước. Biện pháp điệp ngữ "chưa ngủ" được dùng ở đây thật đặc biệt, đặc biệt vì đó không là phép tu từ điệp ngữ bình thường mà là phép tu từ điệp vòng. Nó có tác dụng diễn tả sự trăn trở, nhấn mạnh trạng thái con người vẫn đang thao thức, gợi ra sự kéo dài, triền miên của thời gian, hành động thao thức, "chưa ngủ" của nhân vật trữ tình. Biện pháp điệp vòng này còn được Bác dùng trong bài thơ "Chiều tối" - Cô em xóm núi xây ngô tối/ Xây hết lò than đã rực hồng (Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng). Nói đến đây, ta thấy Bác thật tinh tế và tỏ rõ sự am tường trong việc vận dụng các biện pháp tu từ để diễn đạt nội dung tâm trạng con người. Chưa ngủ, có thể không vì say trăng, say cảnh đẹp như bao thi nhân. "Chưa ngủ" ở đây, còn vì một nỗi niềm sâu xa, "vì lo nỗi nước nhà". Hai câu thơ cuối bài Cảnh khuya đã diễn tả một cách bình dị lòng yêu nước sâu nặng của Bác. Ở đây, tâm hồn thi sĩ đã chan hòa lí tưởng chiến sĩ - "Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên". Như vậy, bài thơ chỉ với 28 chữ nhưng đã để lại một thông điệp về tình yêu thiên nhiên, quê hương và lòng yêu nước sâu sắc. Nó gợi nhắc chúng ta về việc biết suy ngẫm, trăn trở cho mọi việc của cuộc sống, công việc và lòng yêu nước.

        Bài thơ Cảnh khuya là một bài thơ hay về cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc. Qua đó, thể hiện được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ thành công về mặt nghệ thuật như sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với ngôn từ cô đọng, hàm súc. Lời thơ bình dị, trong sáng. Cách gieo vần độc đáo "xa-hoa" làm cho câu thơ có dư âm vang xa, gợi nên vẻ đẹp nên thơ của núi rừng Việt Bắc (có âm thanh của tiếng suối, vẻ đẹp dịu dàng của hoa rừng). Nghệ thuật điệp vòng "chưa ngủ" mang màu sắc cổ điển nhưng lại diễn tả nội dung hiện đại - sự băn khoăn, trằn trọc, lo vì vận nước của chủ thể trữ tình. Nhịp thơ linh hoạt. Khi đọc bài thơ, tâm hồn ta như được hình dung, ngắm nhìn lại từng bước đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu. Dù ở trong giai đoạn nào thì Bác vẫn luôn giữ phong thái ung dung, tự tại, lòng yêu mến gắn bó với thiên nhiên, gắn bó với vận mệnh dân tộc. Bài thơ giúp ta thanh lọc tâm hồn, thêm yêu thiên nhiên, đất nước và con người ngay trong những ngày tháng khó khăn của dân tộc. Tấm lòng yêu nước của Bác "Lòng riêng riêng những bàng hoàng/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng" mãi ấm nồng trong trái tim mỗi con người Việt Nam chúng ta.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tình yêu quê hương của mỗi con người Việt Nam

Những câu danh ngôn hay về cái đẹp